Những bộ phận dễ hỏng nhất trên PC
Đây là những bộ phận máy tính thường dễ hư hỏng nhất sau một thời gian sử dụng như: Bo mạch, ổ cứng, RAM,…Vì thế, bạn nên thường xuyên kiểm tra và có kế hoạch thay thế khi cần thiết.
1. Bo mạch chủ
Về mặt kỹ thuật, bất kỳ sản phẩm nào cấu tạo từ những thành phần có nguyên lý quay cơ học khi hoạt động sẽ dễ hư hỏng nhất vì tính chất tiếp xúc bề mặt vật lý dẫn đến sự hao mòn. Tuy nhiên, mặc dù không có bất kỳ bộ phận chuyển động nào bên trong, nhưng bo mạch chủ máy tính (Mainboard) lại là một trong những thành phần dễ hư hỏng vì cấu tạo rất phức tạp và tinh tế trong thiết kế.
Do đó, ngay cả những trục trặc nhỏ nhất trên bo mạch chủ, dù cho đó là lỗi của nhà sản xuất hay lỗi phát sinh trong quá trình sử dụng, cũng có thể gây ra thảm họa. Theo công bố của các hãng sản xuất, một bo mạch chủ thường có tuổi thọ khoảng 3-4 năm. Nếu sản phẩm nào dùng lâu hơn mức đó thì bạn nên cho đó là điều may mắn.
Một trong những lý do lớn nhất khiến bo mạch chủ bị hỏng chính là các tụ trên đó bị “lão hóa” theo thời gian, hoặc đôi khi chúng bị rò rỉ. Tuy nhiên, việc phát hiện và thay thế những linh kiện loại này không phải ai cũng tự làm được. Những nguyên nhân khác khiến bo mạch chủ bị hỏng cần được kể đến là nhiệt độ, độ ẩm và từ tính của môi trường xung quanh.
Chính vì vậy, để bo mạch chủ có thể “sống” lâu hơn, tốt nhất là bạn nên đặt máy tính của mình ở nơi không có các mối nguy hại về môi trường như độ ẩm quá mức hoặc không khí quá khô, có thể thúc đẩy sự tích tụ tĩnh điện. Nhiệt độ quá nóng đôi khi có thể khiến bo mạch chủ bị nứt, dẫn đến đoản mạch và các linh kiện trên đó bị hỏng. Một điều nữa cần lưu ý là không bao giờ chạm vào bo mạch chủ cho dù nó đang hoạt động hay đã được tắt nguồn. Nếu buộc phải chạm vào bo mạch chủ để lắp đặt hoặc thay thế các bộ phận khác, hãy dùng vòng đeo tay chống tĩnh điện.
2. Ổ lưu trữ
Ổ lưu trữ hiện nay bao gồm hai loại: ổ đĩa cứng truyền thống HDD (hard-disk drive) và ổ lưu trữ thể rắn SSD (solid-state drive). Một máy tính cá nhân không thể hoạt động mà không có ổ lưu trữ (trừ một vài mẫu máy tính như Chromebook), bởi vì đó là nơi để cài đặt hệ điều hành cũng như để lưu trữ dữ liệu. Nếu ổ lưu trữ “chết”, bạn cần thực hiện ngay công việc thay thế càng sớm càng tốt.
Về mặt kỹ thuật, HDD được cấu tạo từ các phiến đĩa (platter) bằng kim loại quay bằng motor cơ học nên hao mòn theo thời gian là điều khó tránh khỏi. Các phiến đĩa có thể bị trầy xước, đầu đọc có thể ngừng hoạt động, hoặc các bộ phận khác có thể bị “tê liệt” bởi sự đột biến điện áp. Trong khi đó, SSD sử dụng bộ nhớ flash để lưu trữ dữ liệu nên không có các thành phần quay cơ học. Tuy nhiên, ổ SSD cũng có những khuyết điểm chẳng hạn như nhạy cảm hơn với nhiệt độ khắc nghiệt và cúp điện cũng có thể dẫn đến hỏng dữ liệu.
Vì vậy, cho dù máy tính của bạn đang sử dụng HDD hay SSD để lưu trữ dữ liệu, tốt nhất là nên đầu tư một thiết bị bảo vệ điện thật tốt để tránh tình trạng điện áp tăng vọt gây thiệt hại cho các linh kiện bên trong máy tính.
Ngoài ra, cũng nên lưu ý tránh đặt máy tính ở nơi có nhiệt độ cao. Điều này cũng có nghĩa là nên thường xuyên vệ sinh làm sạch bụi bên ngoài và bên trong máy tính để đảm bảo không khí lưu thông tốt và tránh bị quá nóng. Bên cạnh đó, nên thường xuyên dùng các phần mềm công cụ chuyên dụng để kiểm tra ‘sức khỏe’ ổ cứng hay ổ SSD để có thể phát hiện vấn đề kịp thời.
3. RAM
Bộ nhớ truy xuất ngẫu nhiên (RAM) là thành phần rất quan trọng trong máy tính. Đó cũng là một trong những phần đầu tiên bạn nên nâng cấp nếu muốn tăng tốc độ hiệu suất máy tính.
Tuy nhiên, RAM cũng chính là một trong những linh kiện dễ hỏng nhất của máy tính. Tùy thuộc vào model và thương hiệu, tuổi thọ của các thanh RAM mà bạn mua có thể thay đổi và hiệu suất có thể ổn định hơn. RAM bị “chết” chính là một trong những điều phổ biến mà hầu hết người dùng nghĩ đến khi máy tính mở không lên.
Có hai nguyên nhân có thể giết chết một thanh RAM đang hoạt động tốt chỉ trong một cái chớp mắt: đó là nhiệt độ và điện áp. Theo công bố, nhiệt độ vận hành của RAM là giữa khoảng 0 độ C và 85 độ C. RAM sẽ bị lỗi hoặc hỏng hoàn toàn nếu nhiệt độ hoạt động nằm ngoài phạm vi đó. Do đó, nên lưu ý đặt máy tính ở nơi có nhiệt độ phù hợp và thường xuyên vệ sinh máy tính để tránh tình trạng các thiết bị quá nóng.
Đối với nguyên nhân điện áp gây hỏng RAM, hiện tượng điện áp tăng vọt có thể xuất hiện từ bo mạch chủ bị lỗi hay nguồn điện không ổn định. Để tránh tình trạng trên, nên đầu tư một thiết bị bảo vệ điện thật tốt để máy tính luôn được cung cấp nguồn điện ổn định. Ngoài ra, điều quan trọng nhất khi mua RAM là nên chọn những sản phẩm chất lượng cao từ các nhà sản xuất có uy tín.
4. Bộ nguồn
Bộ nguồn máy tính (PSU) là thiết bị cung cấp điện năng cho tất cả các thành phần bên trong máy tính. Nói chung, bộ nguồn không phải là yếu tố quan trọng được nhiều người để ý như bộ xử lý CPU, bộ nhớ RAM, ổ lưu trữ HDD/SSD và card đồ họa, nhưng nó cũng là một thành phần không kém quan trọng mà bạn hoàn toàn không thể bỏ qua. Bộ nguồn có thể ảnh hưởng đến mọi bộ phận trong hệ thống máy tính và thường là nguyên nhân gây hỏng hóc cho bất kỳ linh kiện nào trong những trường hợp nguồn điện bị dao động.
Về tuổi thọ, một bộ nguồn thông thường trung bình có thể sử dụng ít nhất 5 năm, hay thậm chí có thể lên đến 10 năm nếu may mắn. Nhưng nếu bạn thường gắn máy tính vào nguồn cung cấp điện có tải trọng cao trong thời gian dài thì bộ nguồn máy tính sẽ luôn gặp áp lực, dẫn đến tuổi thọ ngắn hơn.
Do đó, có một số cân nhắc mà bạn cần lưu ý khi chọn mua bộ nguồn phù hợp nhất với nhu cầu của mình. Như mọi khi, hãy chọn một bộ nguồn chất lượng cao từ thương hiệu có uy tín. Rất nhiều model nói chung là được đánh giá cao nhưng lại không có nhiều khả năng chịu áp lực khi sử dụng ở nơi nguồn điện không ổn định. Bộ nguồn kém chất lượng có thể bị lão hóa nhanh hơn và sớm hỏng hơn.
5. Quạt tản nhiệt
Có lẽ nhiều người trong chúng ta đã không đề cao đúng mức tầm quan trọng của quạt tản nhiệt máy tính hoặc thậm chí hoàn toàn không quan tâm đến chúng. Về mặt kỹ thuật, quạt tản nhiệt sẽ quay khi bạn cần làm mát máy tính (khi máy tính hoạt động với công suất cao để chạy các ứng dụng “nặng”), hoặc quạt sẽ ngưng khi bạn không cần nó (khi máy tính ở chế độ ngủ hoặc chạy các ứng dụng “nhẹ”). Đôi khi, bạn có thể thậm chí không nhận ra khi một trong số quạt tản nhiệt đã ngừng hoạt động.
Trong máy tính, quạt tản nhiệt thường dùng để làm mát bộ xử lý CPU, card đồ họa GPU hay thùng máy. Do đó, hãy tưởng tượng quạt tản nhiệt đột ngột ngừng hoạt động thì các thành phần khác sẽ bị ảnh hưởng như thế nào. Hoặc nếu trong trường hợp bạn chọn mua quạt tản nhiệt giá rẻ, không tương thích với CPU hay GPU cao cấp trong máy tính của mình thì liệu các thành phần kia có hoạt động ổn định được không.
Quạt tản nhiệt cũng hoạt động với cơ chế quay cơ học nhưng thực sự đơn giản hơn nhiều so với các thành phần khác. Qua một thời gian sử dụng, quạt có thể bị hỏng vì khô dầu, bám bụi hoặc hư motor. Do đó, để đảm bảo quạt tản nhiệt hoạt động hiệu quả hơn và có tuổi thọ cao hơn, bạn nên thường xuyên làm vệ sinh bụi bặm trên quạt hay bên trong thùng máy. Ngoài ra, cũng nên kiểm tra và thay thế quạt đã quá cũ để tránh tình trạng quạt hỏng đột ngột dẫn đến cháy CPU hay GPU.
Bài viết trên là những lưu ý cho các bạn để các bạn biết cách sử dụng máy tính một cách hiệu quả hơn. Nếu gặp bất kì vấn đề nào cần tư vấn, hãy liên hệ Hiếu Computer để được giúp đỡ. Hotline: 0987799189
Bài Viết Liên Quan
- Chu Khừ Pư: Đi học là một quyết định đúng đắn
- Laptop cũ – giúp sinh viên thoát khỏi vòng lặp nghèo đói
- Quạt điều hòa mini có an toàn với laptop?
- Được học đợt 42: 7 laptop cho các bạn sinh viên dân tộc thiểu số xuất sắc
- Sử dụng laptop đúng cách trong mùa nắng nóng
- Hiếu Computer: Giải pháp công nghệ toàn diện cho doanh nghiệp
- Nữ sinh Khơ Mú khó khăn giành học bổng 1 tỷ đồng
- Tại sao phải vệ sinh Macbook thường xuyên?
- Thay mainboard Macbook chính hãng Hà Đông
- Pin laptop bị phồng có nguy hiểm không?