Bạn có đang sử dụng keo tản nhiệt đúng cách?

Keo tản nhiệt là thứ không thể thiếu trong các bộ tản nhiệt ngày nay, bởi nó có khả năng lấp đi phần không khí dẫn nhiệt kém nằm giữa 2 bề mặt. Nhưng liệu các bạn đã biết cách bôi keo thế nào cho đúng?

Bạn đã bao giờ thắc mắc tại sao trước khi đặt quạt tản nhiệt lên CPU ta lại phải tra một lớp keo màu trắng trước chứ không được đặt trực tiếp? Hôm nay chúng ta sẽ cùng Hiếu Computer tìm hiểu về vấn đề này qua bài viết dưới đây.

1. Tại sao lại cần keo dẫn nhiệt?

Về lý thuyết nếu như bề mặt của CPU và của phiến tản nhiệt hoàn toàn nhẵn thì khi tiếp xúc với nhau toàn bộ nhiệt từ CPU sẽ được truyền hết sang phiến tản nhiệt. Tuy nhiên trên thực tế không thể sản xuất ra các linh kiện lý tưởng như vậy, giữa 2 bề mặt tiếp xúc với nhau sẽ luôn tồn tại 1 khe hở. Bạn có thể hình dung ra khe hở này qua hình minh họa dưới đây.

Khe hở giữa CPU và bộ tản nhiệt
Khe hở giữa CPU và bộ tản nhiệt

Phần trắng thể hiện vùng không khí tồn tại giữa 2 bề mặt tiếp xúc, và không khí thì dẫn nhiệt rất kém. Vì vậy mà keo dẫn nhiệt ra đời để lấp đầy chỗ trống đó và làm công việc dẫn nhiệt từ các loại chip sang bộ tản nhiệt. Keo dẫn nhiệt tuy không thể bằng được kim loại nhưng ít nhất nó cũng tốt hơn khoảng 100 lần không khí.

Nếu không có chất dẫn nhiệt này, CPU có thể chạy với nhiệt độ tăng, gây ra hiện tượng Throttling theo thời gian. (Throttling về cơ bản là hiện tượng khi CPU buộc phải chạy chậm lại và cuối cùng tắt khi nó bắt đầu trở nên quá nóng). Quá trình này diễn ra quá nhiều không chỉ làm giảm hiệu suất máy tính mà còn khiến CPU quá nóng, gây ra các vấn đề nghiêm trọng. Về lâu dài, đầu tư hơn 200 VND (hoặc ít hơn) cho keo dán nhiệt có thể giúp bạn tiết kiệm hàng triệu khi thay thế CPU.

2. Các cách bôi keo tản nhiệt

Bạn có thể thấy có nhiều cách bôi keo tản nhiệt như theo đường thẳng, chấm, đường chéo, xoắn ốc, quá nhiều, quá ít hoặc thậm chí sử dụng ngón tay để dàn keo tản nhiệt. Dưới đây là hình ảnh kết quả tản nhiệt khi sử dụng các phương thức bôi keo khác nhau.

huong dan su dung keo tan nhiet 2

Nhìn vào kết quả từ biểu đồ trên, bạn có thể thấy hầu như các phương pháp đều cho kết quả nhiệt độ giống nhau. Tuy nhiên, một điều chắc chắn là bạn không nên sử dụng quá ít keo tản nhiệt nếu không bạn sẽ sớm phải thay GPU và CPU.

3. Lựa chọn keo dẫn nhiệt

Hầu hết các loại keo tản nhiệt thường có màu trắng, tuy nhiên thành phần bên trong của chúng có thể khác nhau dẫn đến hiệu quả dẫn nhiệt cũng khác nhau. Có 3 loại chính đó là keo tản nhiệt có chứa thành phần kim loại, sứ và silicon.

Keo chứa kim loại: Ai cũng biết rằng kim loại dẫn nhiệt tốt nhất trong các loại vật chất nên hiệu quả của loại keo này là không phải bàn cãi. Tuy nhiên kim loại ngoài dẫn nhiệt ra còn dẫn cả điện nên nếu để keo dây vào phần mạch có thể gây chập rất nguy hiểm cho linh kiện.

Keo có chứa gốm: Hiệu quả kém một chút so với keo kim loại, bù lại loại keo này có ưu điểm là không dẫn điện nên rất an toàn.

Keo chứa silicon: Loại keo thường được bán kèm cùng với tản nhiệt mặc định của CPU và trong các bộ tản nhiệt chất lượng thấp. Hiệu quả của loại keo này kém hơn nhiều so với 2 loại trên.

Để có hiệu quả giải nhiệt tốt nhất cho CPU hoặc GPU bạn nên chọn loại keo có thành phần gốm, hiệu quả chỉ kém hơn loại keo kim loại từ 1 đến 3 độ C mà lại rất an toàn tránh được nguy cơ chập cháy linh kiện. Hãy mua sản phẩm từ các hãng sản xuất tản nhiệt nổi tiếng như Arctic Cooling, Arctic Silver để có chất lượng tốt nhất.

4. Quy trình bôi keo tản nhiệt cho CPU

Làm sạch bề mặt tiếp xúc

Đây là một bước quan trọng trước khi gắn tản nhiệt mới lên CPU mà rất nhiều người quên hoặc bỏ qua. Lớp keo cũ sau một thời gian sử dụng sẽ bị khô và tạo thành các mảng bám trên bề mặt chip. Nếu tiếp tục tra keo mới lên thì diện tích tiếp xúc của keo với tản nhiệt sẽ giảm đi (do bề mặt không bằng phẳng của lớp keo) và dẫn tới việc tản nhiệt kém hiệu quả.

Loại bỏ lớp keo tản nhiệt cũ
Loại bỏ lớp keo tản nhiệt cũ

Để thực hiện việc làm sạch bề mặt chip bạn cần sử dụng một tấm vải mềm hoặc một vài cây tăm bông cùng với dung dịch tẩy rửa như cồn hoặc axeton. Chú ý không sử dụng các loại chất tẩy rửa có chứa dầu vì lớp dầu trên bề mặt chip sẽ cản trở việc dẫn nhiệt ra ngoài.

Sau khi chuẩn bị các dụng cụ cần thiết, bạn hãy tiến hành làm sạch bằng cách nhúng vải hoặc tăm bông vào dung dịch sau đó nhẹ nhàng lau sạch lớp keo trên bề mặt chip. Bạn cũng chú ý không để ngón tay chạm lên bề mặt chip vì trên các đầu ngón tay cũng có dầu.

Tương tự như bề mặt chip, phần đáy tiếp xúc của các phiến tản nhiệt cũng cần được làm sạch. Nếu keo cũ còn sót lại nhiều bạn phải lau nhiều lần cho tới khi bề mặt tiếp xúc của tản nhiệt sáng bóng trở lại.

Bôi keo mới

Công đoạn này đơn giản nhưng đòi hỏi bạn khi thực hiện phải cẩn thận và tỉ mỉ. Cái mà chúng ta cần là tạo một lớp keo tản nhiệt mỏng và đều trên bề mặt chip chứ không phải cứ thật nhiều keo là tốt. Đầu tiên hãy nhỏ 1 giọt keo vào chính giữa bề mặt chip.

Bôi keo mới
Bôi keo mới

Sau đó dùng một tấm bìa hoặc nhựa mỏng (như các loại thẻ game, card visit, ..) dàn đều keo ra 4 phía của chip. Tuyệt đối không sử dụng các vật kim loại vì có thể làm xước bề mặt tiếp xúc.

Dàn keo tản nhiệt
Dàn keo tản nhiệt

Có một cách khác để thực hiện việc này đó là đặt tản nhiệt luôn lên chip sau khi nhỏ keo, trọng lượng của phiến tản nhiệt sẽ giúp cho keo được dàn đều về mọi phía. Tuy nhiên nếu lượng keo quá ít thì bề mặt chip sẽ không được che phủ kín và ngược lại nếu quá nhiều sẽ tràn ra ngoài và dù có thừa hay thiếu keo thì bạn vẫn phải làm lại từ đầu nên tốt nhất bạn hãy làm theo cách đầu tiên để đỡ mất công.

Việc còn lại sau khi đã tra keo xong là đặt tản nhiệt vào vị trí. Hãy cố gắng đặt thật chính xác sau đó khóa tản nhiệt lại luôn, tránh nâng lên hạ xuống nhiều lần sẽ làm biến dạng lớp keo và giảm hiệu quả tản nhiệt.

5. Quy trình bôi keo tản nhiệt cho GPU

Bạn cũng cần phải loại bỏ keo tản nhiệt cũ trên GPU như đã thực hiện với CPU. Công cụ cần thiết giống như CPU nhưng cần thêm tuốc nơ vít để tháo các ốc vít. Hãy chắc chắn rằng bạn đã tháo tất cả các ốc vít khỏi card đồ họa.

Lưu ý: Các loại card đồ họa khác có cả hai ốc vít ở trên cùng, dưới nó và thậm chí ở cả hai bên. Hãy chắc chắn rằng bạn đã loại bỏ chúng trước khi tháo nắp. Đừng dùng lực quá nhiều vì điều này có thể làm hỏng card đồ họa.

Tháo ốc vít đê lấy card đồ họa ra
Tháo ốc vít đê lấy card đồ họa ra

Bạn nên cẩn thận với các dây cắm của quạt điện vì chúng khá mỏng manh.

Lưu ý: Nếu GPU của bạn có miếng đệm nhiệt, bạn nên bỏ qua nó trừ khi bạn có ý định thay thế bằng một miếng đệm có cùng kích thước và độ dày.

Tháo dây cắm quạt điện
Tháo dây cắm quạt điện

Khi mọi thứ đã được lấy ra và các vít được để gọn ở một nơi, hãy sử dụng miếng vải sợi nhỏ với cồn và làm sạch cả quạt GPU lẫn đế của nó.

Làm sạch GPU
Làm sạch GPU

Bôi keo tản nhiệt trên chip như bạn đã thực hiện với CPU.

Lưu ý: Bạn không cần phải dàn nó ra bởi vì bộ tản nhiệt sẽ thực hiện công việc này và trải đều keo.

Bôi keo tản nhiệt lên GPU
Bôi keo tản nhiệt lên GPU

Cẩn thận lắp lại vỏ card đồ họa. Vặn các vít lại sao vừa khít trong một mẫu hình chữ thập để đảm bảo mọi thứ được lắp và siết chặt. Sau khi lắp GPU trở lại bo mạch chủ và bạn sẽ thấy hiệu suất tốt hơn.

6. Bao lâu bạn nên bôi keo tản nhiệt một lần?

Một nguyên tắc cơ bản là theo dõi nhiệt độ CPU của bạn thường xuyên, tham khảo bài viết Hướng dẫn kiểm tra nhiệt độ CPU, VGA, ổ cứng máy tính, laptop để biết cách thực hiện. Khi nhận thấy hiệu suất giảm cùng với nhiệt độ CPU cao, bạn nên bôi keo tản nhiệt mới. Nói chung, keo tản nhiệt này có thể sử dụng trong vài năm (ít hơn nếu bạn chơi game hoặc thực hiện ép xung).

Keo tản nhiệt rất quan trọng để giúp máy tính chạy ở nhiệt độ tối ưu, đảm bảo hiệu suất hiệu quả và tránh tình trạng throttling CPU.

Thông tin liên hệ

Hotline: 0987799189 

Địa chỉ: Số 22, ngõ 108/43 Trần Phú, hà Đông, Hà Nội

Bài Viết Liên Quan